Lễ bỏ mả – Lễ đâm trâu | Du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Du lịch Tây Nguyên
Lễ bỏ mả – Lễ đâm trâu

LỄ BỎ MẢ

Dân tộc thiểu số Ê đê là một trong 54 nhóm dân tộc ở Việt Nam, có đời sống văn hóa, lễ hội rất phong phú và đa dạng, trong đó lễ bỏ mả của họ là một trong những lễ hội rất đặc sắc. Nó được đánh giá là một lễ hội mang tính tổng hợp văn hóa nghệ thuật nhuần nhuyễn và sinh động bậc nhất Tây Nguyên.
Lễ bỏ mả (Pthi atau, brư, muk atau…) của các dân tộc Tây Nguyên (Ê đê, Giarai, Bana…) là một lễ hội lớn mang tính tang lễ mà người sống tổ chức để từ biệt người chết, “tiễn” người chết về nơi cư trú vĩnh viễn (làng ma). Đây là dịp sinh hoạt văn hóa cổ truyền với nhiều hoạt động như: hiến tế bằng súc vật, lễ cúng và chia của cải cho người đã khuất, trình diễn âm nhạc, múa hát…
Theo phong tục của người Ê đê, từ một năm trở lên (có khi ba đến năm năm, hoặc lâu hơn nữa), người chết (hồn chính) được tiễn đi một chuyến vĩnh viễn về buôn của người chết để có khả năng phục sinh, nhập vào cơ thể sống khác. Có điều đặc biệt là những người khi chết đều phải còn thân xác nguyên vẹn thì mới được làm lễ bỏ mả.

Do đó, lễ bỏ mả thường được tổ chức đúng một năm của người đã chết, gia đình có thể sửa chữa mả theo ý muốn của gia đình và dòng tộc sao cho đẹp và chắc chắn tùy theo khả năng của mỗi gia đình. Mái bằng ngói hay lá, cột bằng gỗ hay bê tông. Nhưng kích thước thì giống nhau, có phần đất để chôn, có mái trước, mái sau, giống như một căn nhà của người đang sống. Trong một năm đó, họ cũng giăng mùng, treo võng và đem tấc cả những gì thân thuộc đối với họ để đặt cạnh mộ, mục đích để họ tiêu dùng.
Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, người sống mới yên tâm rằng mình đã làm tròn bổn phận với người đã khuất và người chết (tức linh hồn hay ma) mới có thể tái sinh vào kiếp khác, tiếp tục một cuộc đời mới. Chính do ý nghĩa nhân sinh này mà lễ bỏ mả (hay lễ bỏ ma) mặc dù mang hình thức tang lễ những lại là hội lễ lớn nhất, vui nhất. Nhưng sau lễ đó, gia đình không làm bất cứ cái gì đến mả cả, không có đám giỗ hàng năm cho người chết giống như người Kinh.
Để tổ chức được lễ bỏ mả, thì các nhà phải chuẩn bị đủ gạo, thịt, rượu, đồ dùng cúng lễ nói chung rồi báo tin cho họ hàng, buôn làng tới dự. Phải có hàng chục người chặt gỗ, đẽo tượng, làm nhà mả hàng tháng trời trước lễ bỏ mả và có khi lên tới cả trăm người đến dự và ăn uống trong những ngày chính lễ. Tùy theo khả năng gia đình mà sẽ tổ chức khác nhau cho các mả, có gia đình làm 3 – 4 con trâu bò nhưng cũng có gia đình làm đến cả 10 con bò.
Trước khi bắt tay làm nhà mả, già làng phải làm lễ cúng gà, khấn ở nhà Rông và ở mả. Người ta còn trồng cây chuối đầu và cuối mộ, thả gà nhỏ vào rừng, tượng trưng cho linh hồn người chết tự do bay đi. Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi thì lễ hội bắt đầu. Ngày đầu tiên là ngày bỏ nhà mả cũ, dựng nhà mả mới. Gia chủ thịt lợn (trâu, bò), cúng rượu. Cả buôn làng tới làm giúp, ăn uống, vui chơi như là làm việc nhà mình. Nhà ai có rượu ché (rượu cần) thì mang theo cùng tham gia cùng gia đình. Tiệc được tổ chức từ khoảng trưa cho đến xế chiều sau khi thức ăn được chuẩn bị sẵn từ lúc sáng. Khi dựng xong nhà mả, cả nhà và họ hàng đến đó cúng. Thầy cúng ăn vận nghiêm chỉnh, ngồi bên chén rượu cúng, ngoảnh mặt về phương Đông, đọc lời khấn cầu hồn người chết rất lâm li, thống thiết.

Khi tế cúng vừa xong, thì lập tức, trong ánh lửa bập bùng của hàng chục đống lửa và dưới ánh trăng mát dịu, tiếng cồng chiêng rộn rã nổi lên. Theo nhịp âm thanh cồng chiêng mọi người hòa vào đoàn múa diễu quanh ngôi nhà mồ nhấp nhô huyền ảo trong đêm. Tiếng nhạc cồng chiêng của đêm bỏ mả, như một sức hút diệu kỳ, kéo tất cả dân làng, kéo bà con họ hàng ở buôn gần, buôn xa tới…
Ngày hôm sau, mọi người tập họp tại nhà Rông rồi mới ra nhà mả. Gia chủ sẵn sàng rượu, thịt để làm lễ to hơn. Đây là lễ cúng chính vĩnh biệt hồn người chết (từ nay hồn đã về buôn của người chết để chờ dịp tái sinh): “Xin ma đừng gọi, đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu của ma nữa. Chúng tôi đã làm nhà mồ rồi, ché rượu cúng đã đặt xuống mả rồi, con gà con đã được thả rồi… Chúng tôi đã bỏ ma rồi…”.
Rồi mọi người vào nhà mả đưa những người góa ra sông tắm, chải đầu, mặc áo váy, khố mới cho họ rồi đưa họ về khu nhà mồ đang rộn ràng tiếng cồng chiêng và nhịp chân múa nhảy. Từ nay, họ đã được giải phóng, đã không còn phải ràng buộc gì với người đã chết nữa. Ai nấy đều vui vẻ, hồ hởi, mời, kéo những người góa vào vòng múa vui của dân làng.
Lễ bỏ mả là một lễ hội gắn với việc tang nhưng lại vui vẻ, hào sảng như một ngày hội. Bởi, theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên, càng sớm làm lễ bỏ mả thì linh hồn người chết càng sớm được nhập vào trẻ sơ sinh mà quy về dương thế, sống với đồng tộc. Hơn nữa, đây là dịp thể hiện trách nhiệm cộng đồng, gia đình, người thân với người đã khuất. Và, một lý do nữa, chỉ sau khi đã làm lễ bỏ mả, thì vợ hoặc chồng của người chết mới được tái giá. Rõ ràng, việc làm lễ ở đây không chỉ vì người chết, mà còn vì người sống nữa. Đó là chưa kể những nhà mồ với tượng, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí, … là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và quý giá, đang ngày càng được chú ý giữ gìn và bảo vệ.

Lễ hội đâm trâu (người Ba Na gọi là x’trǎng, người Cor gọi là xa-ố-piêu, người Gia Lai gọi là mnăm thu, người Lạch gọi là sa rơpu) là một lễ hội nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác. Đây là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên ở Việt Nam. Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng Chạp cho đến tháng 3 âm lịch. Đó là là khi mùa màng thu hoạch xong, thóc đã được đưa vào bồ, các gia đình được nghỉ ngơi

Con trâu sẽ là vật hiến tế để cầu thần phù hộ cho buôn làng được khỏe mạnh, ấm no, để mừng ngày mùa hay để mừng chiến thắng. Ở mỗi dân tộc, các nghi thức phụ của lễ hội có phần khác nhau nhưng đâm trâu vẫn là tiết mục linh đình của lễ hội. Tùy theo mục đích, hoàn cảnh cụ thể và tùy theo từng sắc tộc mà lễ hội này được tổ chức trong những thời điểm, khoảng thời gian và không gian khác nhau, song thường là một không gian rộng bên cạnh những ngôi nhà chung của buôn làng như nhà dài, nhà rông,… Giữa quảng trường/không gian rộng này có dựng một cây cột cao bằng gỗ hoặc tre, ngọn cột được trang trí bằng hoa lá rừng, cờ, phướn thật đẹp, và những lục lạc tre gọi là cù nan. Trên đỉnh cột thường gắn một con chim phượng hoàng làm bằng gỗ, chạm trỗ hoa văn tỉ mỉ. Cây cột này tương tự cây nêu của người Kinh, người Êđê gọi là blang kbâo. Người Ba Na gọi cây cột này là gưng sakapô, người Gia Rai gọi là ging ga. Chủ trì lễ hội đâm trâu đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần Chủ trì khấn xong thì các đội cồng chiêng bắt đầu diễn tấu. Đám đông dân làng ca múa, đấu võ, kể khan và ăn uống suốt đêm và đến sáng lễ đâm trâu mới bắt đầu. Sau khi dứt hồi nhạc và các nghi thức cúng bái, người chủ tế là ông riu yàng cầm cây giáo hình mũi mác đến gần con trâu và bất thình lình đâm một nhát vào đùi trước rồi quay về chỗ ngồi. Đây chỉ là một cú đâm tượng trưng để mở màn Tiếng cồng chiêng lại tưng bừng nổi lên. Một đội hành quyết gồm 4 chàng trai bước vào quảng trường, trong đó hai người cầm mã tấu đứng yên một chỗ, hai người cầm lao nhọn, vừa nhún nhảy theo tiếng nhạc Nhưng những chàng trai chưa vội ra tay. Họ chờ cho bước chân nhún nhảy và tiếng nhạc kết hợp thật nhịp nhàng với âm điệu rụp thì thụp rụp kala rụp! Đúng vào nốt nhạc mạnhkala rụp, khi những bàn tay của các chàng trai đấm vào vú chiêng và khi bàn tay của các cô gái trong đội múa xòe ra, một ngọn lao chí tử phóng tới đâm vào sườn trâu, chỗ dưới vai bên trái. Khi trâu chết người dân làm thịt tổ chức ăn uống, và chia cho các hộ trong buôn làng.

Bài KhócTrâu: Ta thương trâu đã mười năm nay,  Ta chăn trâu vào đủ trăm ngày,  Mời trâu ăn nắm cỏ lần cuối,  Mời trâu ăn lá cây lần cuối,  Trâu hãy ăn lá Râng(1) lần cuối,  Trâu hãy kêu nghé ọ lần cuối,  Người ta đã cột trâu vào cọc rồi,  Khách mời “ăn trâu” đã đến đầy nhà,  Chờ sáng mai họ sẽ vào ngày hội,  Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi!,  Ta không thể giúp gì cho trâu được,  Trâu hãy rung cho ngã cọc nêu,  Trâu vùng vẫy cho đứt chùm dây,  Người ta sắp xẻ thịt trâu rồi đấy!,  Nơi vũng nước trâu dẫm vẫn còn,  Chân trâu cào mặt đất còn dấu,  Bãi cỏ nơi trâu còn đó,  Ngọn núi kia trâu đi với cái,  Bụi tre kia trâu vỗ nghé ngủ, Cây to kia trâu thường cọ khi ngứa,  Đôi mắt tròn trâu tìm đường đi,  Dòng suối nơi trâu tắm vẫn còn,  Ta gặp trâu đêm nay nữa thôi,  Người ta đã cột dây đầy cổ trâu,  Người ta cột trâu nhiều dây chắc lắm,  Người ta đã cho trâu đeo xâu cườm,  Ta đành chịu không cứu được trâu,  Người chặt vào lưng xin trâu đừng khóc,  Người đâm vào hông trâu chớ kêu la,  Người chặt vào đuôi trâu đừng quất nữa,  Nếu trâu quất e trúng lũ trẻ,  Có bề gì ta phải chịu đền,  Trâu chết đi bỏ lại vũng nước,  Trâu chết đi bỏ lại cỏ non,  Trâu chết đi bỏ lại vợ con,  Trâu chết đi cho buôn làng vui,  Cho thần lúa xuống ở trong nia,  Cho thần lúa xuống ở trong thùng,  Ta trao bột máu dê cho trâu,  Ta cho trâu ăn bột củ nghệ,  Ta cho trâu uống rượu ống nứa,  Trâu uống đi trước khi trâu chết!,  Ta tiếc thương trâu lắm trâu ơi! … Thôi ta từ giã trâu ta từ đây ,  Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối,  Trâu hãy ăn trước khi trâu chết,  Để trâu về giữ con thần lúa .

Ý kiến bạn đọc