Du lịch Pleiku – Gia Lai | Du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Du lịch Tây Nguyên
Du lịch Pleiku – Gia Lai

 Thủy điện IALY

Công trình thủy điện Ialy được xây dựng trên sông Sê San, một con sông lớn Tây Nguyên. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, lớn thứ hai sau thủy điện Hòa Bình, với công suất 720MW và sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ Kwh.  Tổng công suất có thể khai thác của toàn bộ sông Sê San ước khoảng 1.500 MW, trong đó Ialy chiếm gần một nửa. Trên và dưới thủy điện Ialy dự kiến xây dựng thêm 4 nhà máy thủy điện khác: Sê San 3, Sê San 4, Plei Krông và Thượng Kon Tum. Sê San 3 và Sê San 4 là những nhà máy nằm phía hạ lưu của thủy điện Yaly. Thác Ialy nổi tiếng ngày xưa nay được thay bằng cảnh đẹp đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh nằm giữa núi rừng Tây Nguyên, với diện tích bề mặt hồ rộng 64,5km2 và dung tích 1,03 tỷ m3 (ứng với mức nước dân bình thường 515m). Nơi đây sẽ là một điểm du lịch tuyệt vời về cảnh quan và môi trường, đồng thời còn là nơi cung cấp các loài thủy sản nước ngọt cho Tây Nguyên.

Công viên Đồng Xanh

Từ trung tâm phố núi Pleiku, dọc theo quốc lộ 19 khoảng 10km là du khách đã đến với Công viên Đồng Xanh. Với diện tích khoảng 8ha, Công viên Đồng Xanh nằm trải dài trên cánh đồng lúa nước An Phú có diện tích rộng khoảng 14ha; thấp thoáng phía xa xa là những bản làng của người dân tộc Gia Rai, Ba Na… với những mái nhà rông tuyệt đẹp, những khu nhà dài; những chiếc cầu treo bắc qua suối và đâu đó tiếng nhạc rừng đang rộn ràng, du dương…

Khi đến với Công viên Đồng Xanh, điều đầu tiên mà du khách nhìn thấy là tượng hai chú voi làm bằng đá – tượng trưng cho việc người Tây Nguyên rất giỏi trong việc thuần dưỡng voi rừng, được đặt ngay ở phía cổng vào. Đi tiếp vào bên trong, quan sát một cách tổng thể, du khách sẽ bắt gặp một hệ thống nhà nghỉ bungalow được xây dựng bên hồ cá, vườn hoa để phục vụ du khách khi có nhu cầu muốn ở lại đây qua đêm, một công viên nước và hồ tạo sóng đầu tiên ở Tây Nguyên, một hồ sen với những hòn non bộ được xếp đặt rất đẹp, một khu vườn với rất nhiều chim muông muôn thú như: đà điểu, nai, beo, gấu, cá sấu… Đặc biệt; đi giữa khu Đồng Xanh đầy kỳ hoa dị thảo này; du khách sẽ nhìn thấy cây cổ thụ hóa thạch hơn 1 triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam – được tìm thấy tại miệng núi lửa xã Chư A Thai, huyện Ajun Pa, tỉnh Gia Lai được tham quan bức tượng Vua Nước (Pờ Tau Ia) và một số công trình kiến trúc khác mang đậm màu sắc Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, du khách còn từng bước được tìm hiểu và khám phá những nét độc đáo pha chút huyền bí của văn hóa Tây Nguyên qua mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài; qua truyền thuyết kết hợp với những hoa văn, họa tiết được tổng hợp và cách điệu trên biểu tượng Đài cảnh Tây Nguyên, qua tiếng nhạc của các bản làng người dân tộc như: tiếng đàn T’rưng nước, tiếng cối giã gạo, âm thanh của dàn cồng chiêng… và cùng hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội Tây Nguyên.

Với bầu không khí trong lành, thoáng đãng và ngào ngạt hương đồng gió nội, Công viên Đồng Xanh thực sự là điểm du lịch lý tưởng cho du khách tới đây nghỉ ngơi, khám phá và tham gia các hoạt động vui chơi giải trí hấp dẫn như: du thuyền, đạp vịt, câu cá…

Biển hồ T’Nưng

Hồ T’nưng (cách viết khác là Hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) hay Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố Pleiku  cách trung tâm thành phố khoảng 7 km, Đây là hồ nước ngọt quan trọng cấp nước cho thành phố này, và được xem là miệng cá của Tây Nguyên. Chính vẻ hoang sơ đến lạ ấy lại càng quyến rũ tất cả những ai khi đến Pleiku, và được ví như đôi mắt của TP.Pleiku.

Làng dân tộc Pleiop.

Làng Ốp (tiếng Jrai là Plei Ốp) là làng đồng bào Jrai nằm ở trung tâm TP. Pleiku. Từ vòng xoay ngã ba Hoa Lư, du khách di chuyển theo đường Cách Mạng Tháng Tám tầm hơn 2 km sẽ tới làng. Plei Ốp là làng văn hóa du lịch đầu tiên của Pleiku, có thể coi là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn thưởng ngoạn và lưu giữ một chút gì đó bản sắc văn hóa buôn làng mà không có nhiều thời gian ở lại Phố núi.

Làng Ốp được thành lập khoảng năm 1927 với 15 hộ dân và 76 nhân khẩu, đến nay làng có 105 hộ với 540 khẩu. Diện tích tự nhiên trên 182 ha thuộc địa bàn phường Hoa Lư. Năm 2008, TP. Pleiku đã quyết định đầu tư xây dựng làng Ốp trở thành làng văn hóa du lịch. Theo đó, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch cùng các hạng mục công trình khác dần được hoàn thiện vệ sinh môi trường được đảm bảo. Nhà rông văn hóa-linh hồn của buôn làng được lợp mái lại khang trang với sân ốp đá, rộng rãi và rợp mát bóng cây. Tại khoản sân này, dân làng Ốp thường xuyên tổ chức các lễ hội của làng. Mọi người cùng nhau quây quần trước mái nhà rông, dưới cây nêu, thưởng thức những ché rượu cần thơm ngọt và hòa mình trong âm thanh cồng chiêng ngân vang, trong điệu múa xoan mượt mà, uyển chuyển…Lữ hành Phạm Gia xin đồng hành cùng quý khách, giúp quý khách có những trãi nghiệm thật thú vị……

Ý kiến bạn đọc