Lễ cúng sức khỏe cho Voi – Mừng lúa mới | Du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Du lịch Tây Nguyên
Lễ cúng sức khỏe cho Voi – Mừng lúa mới

LỄ CÚNG SỨC KHỎE CHO VOI.

Từ xa xưa, voi đã là hình ảnh đặc trưng, là biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên. Với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, con voi là đầu cơ nghiệp, là người bạn thân thiết mà Giàng đã ban cho họ Trong sinh hoạt hàng ngày, voi luôn đỡ đần, thay thế con người gánh vác những phần việc nặng nhọc. Còn trong những ngày hội, voi không chỉ là niềm vinh hạnh của gia đình mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng; vì thế, sức khỏe của voi rất quan trọng, là do Giàng ban cho. Chính vì vậy, việc cúng cầu sức khỏe cho voi rất được bà con coi trọng.

Trong lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của đồng bào. Thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình. Lễ cúng được coi là sang trọng và tươm tất khi gia chủ làm trâu ăn mừng, còn bình thường là heo, nếu không cũng phải là gà… tùy thuộc vào gia cảnh của chủ voi. Các lễ vật bắt buộc đi kèm là rượu cần ít nhất 3 ché, 1 chén gạo có gắn đèn sáp ong, 1 chén cơm, 1 bầu nước, một vài đĩa lòng lợn, xôi, tiết lợn… Lễ cúng được thực hiện trước hiên nhà.
Thầy cúng gọi mời Giàng, Thần núi, Thần sông… về chứng kiến và ban phát sức khỏe cho voi. Nghi lễ bôi tiết lợn lên đầu con voi được xem như sự chứng kiến của các đấng thần linh. Thầy cúng trao đầu heo… và tấm dệt thổ cẩm như trao tặng sức khỏe và sự sung túc mà các đấng thần linh mang lại. Ngay sau lễ cúng, thầy cúng sẽ cho voi ăn những lễ vật đã dâng lên các đấng thần linh. Nghi lễ kết thúc, nài voi uống rượu cần để cầu chúc sức khỏe cho voi.
Lễ cúng sức khỏe cho voi được tiến hành một năm hai lần, vào những ngày đẹp trời trong năm, hay vào mùa lễ hội tháng ba Tây Nguyên, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu thương quý trọng của con người đối với vật nuôi có giá trị và qua đó nhắn nhủ mọi người hãy chăm sóc và bảo vệ đàn voi. Lễ cúng sức khỏe cho Voi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tại chỗ cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy

LỄ CÚNG BẾN NƯỚC. Là một sinh hoạt cộng đồng đậm chất văn hóa của người Tây Nguyên cầu cho nước sạch, nước trong, mang lại sức khỏe cho buôn làng.

Theo phong tục của người Tây Nguyên, khi lập làng mới bao giờ cũng phải thực hiện các nghi thức cũng tế, bởi họ quan niệm đây là việc làm để thần linh chứng nhận, che chở cho cuộc sống của họ được bình yên. Hầu hết các hoạt động cúng lễ của người Tây Nguyên cũng chính là những sinh hoạt cộng đồng, có sự tham gia của cả cộng đồng. Lễ cúng bến nước là một nghi thức như thế.

Đây là một trong những nghi lễ rất quan trọng đối với người Tây Nguyên. Họ quan niệm nước còn quan trọng hơn cả cơm ăn, áo mặc. Không ăn cơm còn sống được cả tháng trời, không có áo mặt thì chỉ bị lạnh thôi, còn không có nước thì không thể sống được. Do đó Thần nước được người Tây Nguyên thờ cúng long trọng, và vô cùng linh thiêng…”.

Cũng chính vì vậy mà ngay từ khi tìm đất lập làng, người Tây Nguyên bao giờ cũng quan tâm tìm nguồn nước. Một nguồn nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất chính là nơi người Tây Nguyên chọn là nơi lập làng…

Để thực hiện nghi thức này, người Tây Nguyên chọn ra những người đàn ông tài giỏi của buôn làng dựng cây nêu. Để tránh súc vật chạy qua, cây nêu sẽ được chọn dựng ở vị trí cao ráo trước nhà Rông. Một số người khác sẽ phải đi lên đầu nguồn nước để kiểm tra, đảm bảo nguồn nước trong lành sẽ chảy về làng. Trước khi tiến hành nghi lễ, từ sáng sớm, già làng sẽ đánh những hồi chuông dài báo cho buôn làng biết là sắp tổ chức lễ cúng bến nước. Bến nước hôm đó được trang hoàng với cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài, treo đồ vật trang trí.

Lễ cúng có 3 phần. Phần thứ nhất là cúng tại bến nước để cầu cho thần nước mang lại sức khỏe cho buôn làng, tiếp đó là cúng tại hàng rào trước khi mang nước vào nhà và cuối cùng là cúng tại nhà của chủ bến nước. Sau khi làm thủ tục cúng xong ở bến nước, người ta sẽ lấy nước vào các vật đựng nước, thường là các quả bầu khô, bỏ vào gùi và gùi về nhà lấy phước. Trong khi đó một đoàn người sẽ theo người chủ lễ đi đến cầu thang từng nhà, hát cầu cúng và rưới tiết vào chân cầu thang để cầu may cho nhà chủ…

Bắt đầu nghi thức Lễ cúng bến nước, già làng sẽ đứng nơi đầu nguồn nước, thả huyết của vật hiến sinh (vật hiến sinh thường là trâu, bò) cho chảy xuống tận cuối nguồn nước, về tận với buôn làng. Khi đó những người dân trong làng mới chính thức thực hiện nghi thức Lễ cúng bến nước. Kết thúc nghi lễ, cả buôn làng tập trung về nhà dài để ăn tiệc, uống rượu cần và nhảy múa trong không khí của lễ hội với âm vang cồng chiêng rộn rã. Những tiếng cồng, tiếng chiêng, những điệu nhảy tưng bừng đưa mọi người xích gần nhau hơn, trong tiếng hát ca.

LỄ MỪNG LÚA MỚI.

Theo thường lệ, cứ vào tháng 11 dương lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên lại tổ chức lễ mừng lúa mới. Mừng lúa mới là một phong tục lâu đời của đồng bào các dân tộc sống trên dải Trường Sơn; có ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Giàng ban cho dân làng và tập tục cúng Giàng, cúng các vị thần linh như: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Hầu hết các địa phương ở vùng đất Tây Nguyên sau mùa thu hoạch đều tổ chức lễ mừng lúa mới. Cách tổ chức không diễn ra đồng loạt mà tuần tự hết nhà này sang nhà khác trong buôn làng, theo một trật tự đã thỏa thuận trước. Việc tổ chức lễ ăn mừng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch được nhiều hay ít của từng gia đình và cũng theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày. Đây cũng là dịp để gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn lân cận cùng đến vui chơi, ăn uống, múa hát. Nhà nào có đông khách coi như là niềm vinh dự. Vì thế, ngoài việc cúng thần, hồn lúa và cúng tổ tiên cùng với việc cầu mong sức khỏe cho gia đình, người ta còn đánh cồng, chiêng, trống, vui chơi ca hát suốt nhiều ngày đêm liền.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, lễ mừng lúa mới của các tộc người J’rai và Bahnar đã có từ lâu và được gìn giữ, phát huy cho tới ngày nay. Đây là bản sắc văn hóa độc đáo và cũng là một trong những lễ hội lớn hàng năm của hai tộc người này với mong ước mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng ở các buôn làng. Lễ mừng lúa mới của các tộc người J’rai và Bahnar thường diễn ra trong khoảng thời gian khá dài, từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng Giêng năm sau. Đây là thời gian rảnh rỗi của bà con sau khi đã thu hoạch xong vụ mùa thắng lợi và cũng là thời gian cho đất nghỉ ngơi theo tập quán. Lễ mừng lúa mới thường được tổ chức theo từng buôn làng, sau đó mới tỏa về từng nóc nhà. Hội mùa của các tộc người J’ai và Bahnar là một trong những lễ hội ra đời sớm nhất trong các lễ hội của các tộc người ở Tây Nguyên, gắn liền với nền sản xuất nương rẫy. Hội mùa không chỉ có nghi thức cúng lễ mà còn là sự giao hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và cảnh vật.

Đối với người Mạ, gọi là lễ mừng lúa mới hay lễ ăn cơm mới, tiếng Mạ là “Du rê”. Mức độ của nghi lễ này lớn nhỏ khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Vật hiến sinh trong các lễ chủ yếu là gà, dê, heo, nếu là của tập thể và của cộng đồng thì có giết trâu. Thời gian tổ chức mừng lúa mới thường vào dịp cuối năm. Có nơi cúng ngay khi bắt đầu thu hoạch gùi lúa đầu tiên; có nơi thu hoạch xong khu vực gieo trồng lúa thì cúng, có nơi khi đã xong hẳn mùa màng mới tổ chức lễ… Gia đình nào xong sớm tổ chức trước, xong sau thì cúng lễ sau.

Đối với người Êđê, khi lúa trên rẫy đã được gùi về đổ đầy các kho để lúa, gia chủ bắt tay vào việc tổ chức lễ cúng cơm mới. Lễ không tổ chức cho toàn buôn một lúc mà lần lượt từng nhà. Phụ nữ lo việc bếp núc, nấu nướng. Đàn ông thì lo rượu cần, chuẩn bị heo, gà để giết thịt. Khách mời là họ hàng từ các buôn xa gần được mời đến dự… (*)

Trên những vùng quê của của đất nước Việt Nam, hầu như dân tộc nào cũng đều có nét văn hóa đặc sắc, độc đáo thông qua lễ hội. Hoạt động các lễ hội như bảo tàng sống về văn hóa của dân tộc đã được lưu truyền, kế thừa qua nhiều thế kỷ. Đối với dân cư cộng đồng sống trên dãy cao nguyên hùng vĩ, mừng lúa mới là lễ hội ra đời sớm nhất trong lễ hội của đồng bào nơi đây. Cuộc sống của con người Tây Nguyên gắn liền với nền sản xuất nương rẫy tự cung tự cấp, vì vậy lễ mừng lúa mới không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của họ.

Ý kiến bạn đọc